Giành quyền nuôi con và quan điểm của người bảo vệ



31/05/2019

LUẬN CỨ BẢO VỆ

(Quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn P.L trong vụ án tranh chấp ly hôn với bị đơn ông T.D)

Kính thưa Hội đồng xét xử!   

Thưa vị đại diện viện kiểm sát, thưa vị luật sư đồng nghiệp cùng toàn thể quý vị có mặt trong phiên toà hôm nay.  

Tôi, Luật sư Nguyễn Quốc Toản, luật sư thuộc Công ty Luật TNHH IAM, Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh. Tôi có mặt tại phiên tòa hôm nay với tư cách là Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn P.L trong vụ án “Tranh chấp ly hôn” với  anh T.D.

Kính thưa Hội đồng xét xử, qua quá trình thu thập hồ sơ và nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ của các bên cùng các lời khai của các đương sự tại phiên tòa trong vụ án này, tôi xin đưa ra các quan điểm và luận cứ như sau:  

Về ly hôn, tài sản chung          

          Chị P.L và anh T.D đã tự nguyện xác lập mối quan hệ hôn nhân hợp pháp vào năm 2006 đã có với nhau 02 người con chung, Thanh sinh năm 2007, Tài sinh năm 2014. Tại 2 biên bản hòa giải ngày 14/9/2018 và ngày 30/10/2018, cá nhân anh T.D đã đồng ý yêu cầu ly hôn của chị P.L, hai bên thống nhất không có tài sản chung không có nợ chung nên tôi không có ý kiến về vấn đề này.        

Về con chung  

Sau ly hôn, chị P.L yêu cầu được quyền trực tiếp nuôi con Tài. Tôi đề nghị hội đồng xét xử chấp nhận bởi các lý sau đây:

Thứ nhất, không có tình yêu nào có thể so sánh với tình mẫu tử. Mẹ là nguồn sống đầu tiên của con, con là một phần cơ thể của mẹ nên mẹ sẽ là người chăm sóc tốt nhất cho con trong giai đoạn tuổi ăn, tuổi lớn. Bất cứ điều gì cũng có thể không chắc chắn nhưng tình mẹ là chắc chắn, là thiêng liêng và không gì so sánh,...

 Trong quá trình chung sống, chị luôn có gắng lao động, tạo nguồn thu nhập chính, vun đắp xây dựng cuộc sống gia đình hoà thuận, êm ấm, vợ chồng thương yêu nhau cùng nuôi dạy con, nhưng anh T.D thì ngược lại, anh là người thiếu kiểm soát hành vi, có xu hướng bạo lực vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt hằng ngày. Đỉnh điểm, giai đoạn sau khi chị P.L sinh bé Tài, chị nghỉ việc trong giai đoạn thai sản_ lại là người tạo nguồn thu nhập chính_ nên gia đình không đủ tiền trang chải, do vậy, anh ruột và chị dâu có tạo điều kiện cho chị P.L mượn máy may về nhà làm, mang máy về không bao lâu, anh T.D xin tiền chị P.L nhưng chị không đủ tiền đưa nên anh đã đập phá máy may. Thương cho hoàn cảnh của chị P.L nên anh của chị cũng không yêu cầu bồi thường, bỏ qua mọi chuyện. Khi chị P.L đi làm, anh T.D còn đến tận chỗ làm kêu chị đưa tiền, chị đưa ít thì anh la mắng, sỉ vả chị trước mặt chị dâu và những người làm cùng. Tiền, vàng dành dụm của chị P.L để đóng học phí cho con anh T.D cũng nhẫn tâm lấy tiêu xài hết. Ngoài ra anh T.D còn có những hành động bất thường như lấy tiền của chị P.L mua gà đá về “nghe gáy cho vui tai”. Dùng số tiền của ông bà nội cho 2 cháu để mua chiếc xe SH cũ với giá 30.000.000 đồng để ở nhà ít ngày thì bán lại với giá 15.000.000 đồng…

Nhà ngoại ở Huế, từ khi sinh ra đến nay, bé Tài đã hơn 4 tuổi nhưng chưa một lần về quê ngoại! 6 tháng trước Tết Nguyên đán 2018, ông bà ngoại ở quê nhà có gọi điện cho ông bà nội xin cho 2 cháu được về quê ngoại chơi, đồng thời sau đó chị P.L đã đặt xe cho cả nhà về ngoại, nhưng đến ngày đi, ông bà nội và anh T.D lại ngầm ngăn cản chị dắt con về bằng cách, mang bé Tài đi giấu!. Đây là đỉnh điểm của sự chịu đựng!!

Sau khi ăn tết xong, tháng 2/2018, khi sự chịu đựng đã vượt quá giới hạn, chị P.L đã dọn đến nhà anh ruột tại đường Tô Hiệu, quận Tân Phú sống. Khi đi, chị cầu xin chồng và gia đình chồng được dắt con theo nhưng gia đình chồng không cho phép. Anh ruột và chị dâu của chị P.L có đến thưa chuyện cùng ba mẹ anh T.D và anh T.D để chị P.L được mang con theo nhưng mọi thứ trở nên vô vọng, chị đành quyết định cho mình một thời gian suy nghĩ để tránh đẩy mẫu thuận gia đình lên cao. Cuối cùng, chị đành nộp đơn khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, dành quyền trực tiếp nuôi con.

Chị biết mình có đủ khả năng nuôi dạy hai con, nhưng ra toà, chị chỉ dành nuôi con nhỏ, bởi: Gia đình chồng, ông bà nội cũng đã lớn tuổi, lại bị bệnh nên việc cần có người phụ giúp là cần thiết. Con lớn_ Thanh, nay đã có thể phụ giúp việc nhà và thay cha mẹ chăm sóc ông bà khi trái gió trở trời, hơn nữa, chị cũng tôn trọng ý kiến của con. Con nhỏ_ Tài, ở cái tuổi lên 4 lên 5 thì không thể biết gì, lại là giai đoạn tâm lý cực kỳ nhạy cảm, thể hiện cái tôi, rất cần tình yêu thương chăm sóc của mẹ, cần những chỉ bảo ân cần, nhỏ nhẹ hàng ngày của mẹ nên việc giao trẻ Tài cho mẹ là một việc hết sức nhân văn, đảm bảo sự phát triển tốt nhất cho trẻ.

Thứ hai, về điều kiện kinh tế, qua quá trình thực tế và các buổi hoà giải và sự thừa nhận của anh T.D, cho thấy chị P.L là người có thu nhập ổn định, được sự yêu thương của gia đình anh trai, nên hơn 10 năm nay, chị sống và ổn định gia đình bằng thu nhập ổn định từ nghề may mặc. Chị làm cho Hộ kinh Doanh của ông Kiệt (anh ruột và chị dâu góp vốn vào Hộ kinh doanh) với mức lương 8.000.000 đồng/tháng và khoản thu nhập làm thêm hàng, tiền bồi dưỡng đi lấy hàng và giao hàng trung bình từ 2.000.000 – 3.000.000 đồng/tháng. Tiền học phí của hai bé, tiền học thêm tiếng anh và các môn khác của bé Thanh và các chi phí học tập khác của con một tay chị lo. Từ đó có thể thấy, chị P.L với thiêng chức là một người mẹ có thể nuôi dưỡng và chăm lo, tạo điều kiện cho hai bé học hành tới nơi, tới chốn. Anh T.D thì sao? Anh liên tục cho bé Tài nghỉ học ở nhà vì không đủ tiền đóng học phí hay vì bệnh. Như vậy, anh T.D liệu có đảm bảo việc có thể nuôi dưỡng, chăm lo và tạo điều kiện cho hai bé học hành tới nơi, tới chốn hay không?

Thứ ba, về điều kiện chăm sóc và môi trường sống, chỗ làm của chị có phòng chơi cho trẻ, có sự yêu thương tạo điều kiện của vợ chồng anh ruột, do vậy bé sẽ có một môi trường phát triển toàn diện trong những ngày không phải đến trường, hơn nữa sẽ có bạn chơi cùng trang lứa là anh em trong nhà. Khác với môi trường sống khép kín bên nội, bé chỉ có một mình lủi thủi.. Khi bé Tài về ở với mẹ, chị sẽ hết sức tạo điều kiện để chồng và phía nhà chồng thường xuyên qua thăm con, tạo điều kiện cho hai con được cùng vui chơi trong những ngày không phải đến trường. Chị P.L luôn tâm niệm, bất cứ ai sinh ra trên cõi đời này cũng không được quên gốc gác của mình, ngược lại, anh T.D và gia đình anh nhiều lần có hành vi thiếu thiện chí, cản trở chị dắt con về thăm ngoại, giành hết và ngăn cản các quyền chăm sóc, nuôi dưỡng con của chị P.L.

Thưa hội đồng xét xử! trước phiên toà hôm nay,

Kể từ khi biết chị P.L nộp đơn khởi kiện ly hôn, dù là mẹ ruột của hai bé nhưng mỗi lần đến thăm thì chồng và gia đình chồng lại không cho phép, luôn tỏ thái độ gay gắt và cấm cản việc chăm sóc, nuôi dưỡng con của chị. Ngay khi chồng và gia đình cố tình ngăn cản bé gặp chị nên chị có đến Trường mẫu giáo Cẩm Tú nơi bé đang được gửi đi học để được gặp con nhưng nhà trường cho chị biết bé đang bị bệnh nên không đến trường. Theo xác nhận của nhà trường thì bé nghỉ từ đầu tháng 9/2018 đến nay.

Là một người mẹ, khi biết con mình đang bị bệnh mà không được gặp mặt, thăm nom, chăm sóc con làm chị rất đau sót, chị đã nóng lòng đến nhà nhiều lần và thậm chí nhiều lần trong một ngày nhưng không được gặp nên chị đã làm đơn yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là cấm ông T.D và các thành viên trong gia đình không thực hiện hành vi ngăn cản việc gặp, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con của chị P.L, chỉ với mong muốn được gặp con để động viên, an ủi và đưa con đi viện nếu cần nhưng mọi thứ trở nên vô vọng, anh T.D bắt chấp pháp luật, nhất định không cho chị gặp con, chăm sóc con. Không những vậy, anh T.D còn lớn tiếng dọa nạt đuổi chị P.L về, có sự chứng kiến của dân phòng khu phố, công an khu vực. (có quay phim lại)

Thưa hội đồng xét xử!

Một người cha, không có việc làm ổn định, ngang nhiên coi thường pháp luật, lại có tiền sử đi khám bệnh thần kinh. Mặt khác, việc chăm sóc người già và người bệnh vốn đã khó khăn nay lại chăm sóc thêm 2 đứa nhỏ lại càng khó khăn hơn thì việc giao con nhỏ cho mẹ là điều hết sức cần thiết để đảo bảo sự phát triển toàn diện và tốt nhất cho trẻ mà không ảnh hưởng đến tâm lý trẻ.

Qúa trình thăm con của chị P.L là cả một hành trình gian khổ bởi sự cấm cản của cả gia đình bên nội, bởi sự ích kỷ, coi trẻ nhỏ là vật sở hữu của riêng mình là điều cực kỳ tối kỵ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và sự phát triển bình thường của trẻ. Và, vi phạm nghiêm trọng pháp luật về hôn nhân gia đình, về quyền được chăm sóc giáo dục của trẻ. Cụ thể,

Hành vi trên của anh T.D và gia đình anh đã vi phạm nghiêm trọng Quyền trẻ em được quy định tại Điều 15, Điều 17 Luật Trẻ Em năm 2016. Cụ thể: Trẻ em có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển toàn diện; Trẻ em có quyền vui chơi, giải trí; Trẻ em có quyền được ở cạnh cha, mẹ

Và vi phạm Điều 69, 71, 72 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 như: Cha mẹ có quyền và nghĩa vụ cùng nhau thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức; Cha mẹ được quyền Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên.

Thưa Hội đồng xét xử! Việc giao bé Tài cho chị P.L trực tiếp nuôi dưỡng không những phù hợp với thực tế, phù hợp với đạo đức xã hội và tình cảm đặc biệt thiêng liêng giữa mẹ và con, phù hợp với diễn biến tâm lí của trẻ nhỏ ở tuổi ăn, tuổi lớn mà còn phù hợp với quy định tại Điều 36 của Hiến pháp nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là “bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em” và  phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 “Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, .. thực hiện các quyền về hôn nhân và gia đình; giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ”.   

Từ những lý lẽ và căn cứ nêu trên, Vì sự phát triển toàn diện của trẻ về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và mối quan hệ xã hội, tôi tha thiết đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, cân nhắc và chấp nhận yêu cầu của chị P.L về việc ly hôn với anh T.D, đồng thời chị P.L được quyền trực tiếp nuôi con Tài sinh năm 2014 mà không yêu cầu cấp dưỡng.

Kính mong Hội đồng xét xử xem xét một cách thấu đáo./.

Trân trọng

 

Luật sư Nguyễn Quốc Toản

                    


Bài viết liên quan

Chuyện của cha

Anh bước vô phòng, theo phép lịch sự khi tiếp khách, tôi mời anh ngồi và chào anh rồi chờ anh nói, “tôi mới điện thoại cho luật sư”, tôi hơi ngạc nhiên và hỏi “anh gặp ai”, tôi gặp luật sư...

Luật sư Nguyễn Quốc Toản, sơ lược..

Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng nông thôn phía bắc, thuộc tỉnh Hà Nam, tuổi thơ tôi đã trải qua những tháng ngày ý nghĩa với rất nhiều kỷ niệm.

Coffee- Góc luật sư

Cà phê "đích thực" rơi rơi Từng giọt tí tách "thả rơi" tâm hồn Hòa trong dòng nhạc du dương Lắng nghe yêu dấu đến bên cuộc đời.